Mua Nhà Ở Úc : Giá nhà ở Australia đã tăng mạnh nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây

Giá nhà ở Australia đã tăng mạnh nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây trong tháng 3 vừa qua, dấu hiệu mới nhất cho thấy cơn sốt địa ốc ở nước này đang ngày càng tăng nhiệt.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ công ty CoreLogic Inc. cho biết, giá nhà trung bình tại 8 thành phố trung tâm của các bang và lãnh thổ Australia đã tăng 12,9% trong tháng 3/2017 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2010.

Trong đó, tăng mạnh nhất là giá nhà ở Sydney, nơi giá nhà trung bình đã tăng 18,9% trong vòng 12 tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2002. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, giá nhà tại thành phố này tăng 5%. Tại Melbourne, giá nhà đã tăng 15,9% trong 12 tháng.

Trong bối cảnh lo ngại ngày càng lớn về việc giá nhà tăng chóng mặt có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản, cơ quan giám sát ngân hàng Australia tuần trước công bố những quy định mới nhằm siết chặt hoạt động cho vay.

Theo đó, các tổ chức cho vay địa ốc sẽ phải hạn chế các khoản vay trả lãi định kỳ và chỉ trả gốc khi đáo hạn (interest-only loans) – loại vốn vay được các nhà đầu tư bất động sản ưa chuộng – ở mức 30% tổng vốn vay thế chấp nhà cấp mới. Tỷ lệ này hiện đang ở mức gần 40%.

Cùng với những đợt tăng lãi suất cho vay thế chấp nhà trong thời gian gần đây, hạn chế nói trên có thể “giúp hạ nhiệt một phần cơn sốt bất động sản đang diễn ra tại các thành phố lớn nhất Australia”, ông Tim Lawless, trưởng bộ phận nghiên cứu của CoreLogic, nhận định.

Khi công bố các biện pháp hạn chế cho vay mới, cơ quan kiểm soát ngân hàng Australia nói rằng sự kết hợp giữa giá nhà đất cao, mức nợ kỷ lục của các hộ gia đình, tăng trưởng tiền lương chậm lại, và mức lãi suất thấp tạo ra một “môi trường rủi ro cao”.

Trong mấy tuần gần đây, các cơ quan chức năng khác của Australia cũng bày tỏ quan ngại về thị trường bất động sản nước này. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia Michele Bullock nói các cơ quan giám sát “đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động thêm nếu cần thiết”. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia Greg Medcraft thì nói thị trường nhà đất Australia đang “bong bóng”.

Sốt địa ốc ở Australia được cho là xuất phát từ mức lãi suất thấp kỷ lục, nhu cầu mạnh của các nhà đầu tư, và tăng trưởng dân số nhanh chóng.

Dân số của khu vực Sydney đã vượt 5 triệu người vào cuối tháng 6 vừa qua, tăng thêm 1 triệu người trong vòng 16 năm qua, bằng một nửa quãng thời gian mà dân số của thành phố này tăng thêm 1 triệu người trước đó – Cơ quan Thống kê Australia cho biết hồi tuần trước.

Theo hãng tin Reuters, sau khi hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,5% vào tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Australia đã cảnh báo rằng việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ chỉ khuyến khích các hộ gia đình vốn dĩ đã nặng nợ vay thêm tiền.

Kể từ tháng 1/2009, giá nhà ở Sydney đã tăng hơn gấp đôi, trong khi giá nhà ở Melbourne tăng hơn 90%. Tình trạng này khiến việc sở hữu nhà trở thành việc nằm ngoài tầm với của nhiều người Australia, khiến một bộ phận cử tri nước này bất bình.

Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã đổ lỗi cho sự thiếu nguồn cung nhà khiến giá nhà tăng, trong khi Công Đảng đối lập cho rằng sốt địa ốc là do chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ đối với hoạt động đầu tư địa ốc.

Nguồn: Vneconomy

Bất động sản úc : Dự báo năm 2018 giá nhà trung bình tại Melbourne sẽ đạt 1 triệu đô

Đối với những người dân Melbourne luôn than phiền về giá nhà đất ngày càng tăng, họ cũng có đôi chút sự thoải mái là ít nhất tình hình cũng không tệ như ở Sydney. Nhưng điều này sẽ không còn tồn tại lâu nữa.

Một chuyên gia đã đưa ra dự đoán Melbourne sẽ có giá nhà trung bình đạt mức 1 triệu đô ngay khi kết thúc năm 2018.

Dữ liệu mới nhất cho thấy giá nhà trung bình ở Melbourne là 795,447 đô trong tháng 12/2016, theo Domain Group. Vào tháng 12/2014, nó chỉ có giá 627,068 đô.

Dự đoán rằng mức tăng trưởng trung bình sẽ là 3% mỗi quý trong khoảng thời gian 1 năm rưỡi tới, nhà kinh tế học Andrew Wilson của Domain Group cho biết giá nhà trung bình của Melbourne sẽ vượt qua mức 1 triệu đô vào quý IV năm 2018.

Điều này sẽ khiến cho Melbourne trở thành thành phố thủ phủ thứ hai có giá nhà trung bình đạt đến con số có 7 chữ số. Giá nhà trung bình ở Sydney đã vượt mức 1 triệu đô vào tháng 7/2015 sau khi tăng trưởng 8.4% trong một quý.

Phần lớn sự tăng trưởng của Melbourne được dự đoán là kết quả của việc giảm thuế đối với những người mua nhà lần đầu, bao gồm cả việc miễn thuế stamp duty cho nhà dưới 600,000 đô và những nhượng bộ cho các ngôi nhà đắt tiền hơn.

“Khi có sự thay đổi về các loại thuế, nó có thể có tác động ngắn hạn rất nhanh đến thị trường,” ông Wilson cho biết.

Những người mua nhà lần đầu mua những ngôi nhà có giá rẻ hơn sẽ có khả năng “kích hoạt” những người nâng cấp nhà trên thị trường. Những người này sau đó sẽ chi nhiều hơn cho ngôi nhà tiếp theo của họ để đẩy giá lên.

Ông chỉ ra rằng sự tăng trưởng giá nhà nhanh chóng từ năm 2009 đến năm 2010 như một ví dụ về những gì có thể xảy ra do ảnh hưởng của những người mua nhà lần đầu.

Thêm vào sự kết hợp của mức độ di cư cao và lãi suất thấp liên tục, “và nó đã để lại một cơn sốt tuyệt vời của người mua”, ông nói.

“Giá nhà trung bình 1 triệu đô sẽ xảy ra chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.”

Giám đốc của Wakelin Property Advisory, ông Paul Nugent nói rằng Melbourne “chắc chắn” sẽ đạt được mức giá nhà 1 triệu đô trong “vài năm tới”.

Ông nói rằng có khả năng sẽ có mức tăng trưởng giá nhà khoảng 10% trong năm 2017.

Giá nhà trung bình trong quý I năm 2009 là 446,423 đô. Đến tháng 3/2010, giá nhà trung bình đã là 552,660 đô.

Tuy nhiên, ông cho rằng dự đoán này là khá “dũng cảm”, với sự tăng trưởng mạnh mẽ phải cần đến năm 2018 để đạt được mốc 1 triệu đô.

“Nhiều điều có thể xảy ra trong thời kỳ can thiệp, có thể làm dịu đi hoặc tạm dừng sự tăng trưởng hoặc tạm dừng,” ông Nugent nói.

“Ngân hàng Dự trữ có thể đưa ra mức lãi suất, hoặc các quy định thận trọng có thể được thắt chặt cũng mang lại hiệu quả tương tự.”

“Mặt khác, những nhượng bộ đối với thuế stamp duty của người mua nhà lần đầu có hiệu lực tại Victoria tháng 7 này vẫn có thể mang lại hiệu quả tăng lên đối với giá cả trên thị trường bất động sản.”

Giám đốc của Barry Plant, ông Mike McCarthy, nói rằng sức nóng chủ yếu trên thị trường đến từ các khu ngoại ô giá phải chăng, bao gồm Pakenham, St Albans, Sunshine và Noble Park.

Khả năng chi trả là một trong những động lực chính, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các khu vực ngoại thành là một dấu hiệu rõ ràng về thời gian thay đổi.

“Geelong trở thành một lựa chọn hấp dẫn do những vấn đề về khả năng chi trả ở Melbourne – phải mất một quãng đường dài để di chuyển vào thành phố nhưng bạn có thể tiết kiệm hàng trăm ngàn đô la”, ông McCarthy nói.

“Có một sự thiếu hụt nguồn cung vẫn đang tác động đến giá cả ngay bây giờ.”

Nguồn: Báo Úc

Bất động sản úc : Sydney khuyến khích di dân đến vùng nông thôn nhằm “hạ nhiệt” giá nhà

Trong 12 tháng qua, giá nhà Sydney đã tăng 16% và theo dự tính, thành phố này cần thêm 600,000 ngôi nhà mới để đáp ứng với mức độ tăng trưởng dân số trong 20 năm tới.

Theo hãng tin News Corp chính phủ Liên đảng đang cân nhắc việc khuyến khích di dân chuyển đến vùng ngoại ô sinh sống, bằng cách tạo thêm công ăn việc làm và phát triển hạ tầng cơ sở.

Thứ trưởng Di trú Alex Hawke cho biết, cần phải thảo luận về việc làm sao để các trung tâm kinh tế ngoại ô trở nên thu hút hơn, mà không tiêu tốn quá nhiều ngân sách của chính phủ.

“Mặc dù chính phủ nhận thấy Sydney vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các di dân, chúng tôi đang làm việc với chính phủ tiểu bang và hợp tác nhằm thu hút di dân đến các vùng nông thôn hẻo lánh,” ông Hawke nói.

“Điều đó đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội việc làm và phát triển hạ tầng cơ sở.”

Chính phủ liên bang tin rằng những địa điểm như Goulburn và vùng bờ biển trung tâm có thể giúp giảm tải cho Sydney. Trong khi đó, chính phủ NSW dự báo dân số Sydney sẽ tăng từ 4.3 triệu người lên 9.9 triệu người trong các thập kỷ tới.

Bộ trưởng Kế hoạch NSW Anthony Roberts cho biết 40% dân số Sydney đến từ ngoại quốc hoặc các tiểu bang khác, trong khi 60% là người bản địa.

Theo SBS

Các loại trợ cấp thất nghiệp ở Úc

Những người đang thất nghiệp có thể tiếp cận hệ thống an sinh xã hội của Chính phủ Úc nếu bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính.

Nếu đang tìm kiếm việc làm, mới bị mất việc làm, hoặc có nguy cơ bị mất việc làm, hiện có các dịch vụ sau đây để trợ giúp quý vị.

Newstart Allowance – Trợ cấp người đi tìm việc

Đây là loại trợ cấp thất nghiệp chính dành cho những người đang ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên, loại trợ cấp này có một số điều kiện sau đây

– Qúy vị phải chứng minh rằng quý vị đang tìm một công việc toàn thời

– Phải tham dự các cuộc hẹn với công ty tuyển dụng

– và phải đáp ứng các yêu cầu nghĩa vụ chung (Mutual Obligation Requirements)

Thời gian chờ nhận trợ cấp là bao lâu?

Thời gian chờ đợi có thể kéo dài từ 2 tuần cho đến 2 tháng sau khi quý vị đã nộp tất cả giấy tờ xin lãnh trợ cấp Newstart Allowance. Thời gian chờ phụ thuộc hoàn toàn vào Centrelink.

Được trợ cấp tối đa là bao nhiêu?

Qúy vị có thể vừa đi làm vừa lãnh trợ cấp. Chẳng hạn, nếu quý vị chỉ làm một buổi trong tuần, quý vị vẫn có thể lãnh trợ cấp từng phần.

Tiền trợ cấp tối đa sẽ là $104 trước thuế/2 tuần.

– Nếu thu nhập của quý vị trong khoảng $104 – $254/2 tuần, mức cắt giảm trợ cấp sẽ là 50 xu trên mỗi đô la vượt quá mức $104.

– Nếu thu nhập của quý vị trên $254, mức cắt giảm trợ cấp sẽ là $75 + 60 xu trên mỗi đô la vượt quá $254.

Ai đủ điều kiện nhận trợ cấp này?

Công dân Úc đã sinh sống tại Úc được 2 năm sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp này. Tuy nhiên họ cần phải đáp ứng bài đánh giá về thu nhập và tài sản – income and assets tests, cũng như các yêu cầu nghĩa vụ chung (Mutual Obligation Requirements)

Work for the Dole là gì?

Chương trình Work for the Dole được thiết kế nhằm nâng cao kỹ năng cho người tìm việc, cung cấp kinh nghiệm làm việc và giúp người lao động có khả năng đóng góp cho cộng đồng.

Qúy vị cần tham gia chương trình Work for the Dole trong 6 tháng để nhận được trợ cấp, đồng thời đáp ứng những điều khoản của yêu cầu nghĩa vụ chung (Mutual Obligation Requirements).

Nếu tôi không đáp ứng Mutual Obligation Requirements thì sao?

Trợ cấp Newstart có thể sẽ bị đình hoãn, nhưng một khi quý vị liên lạc lại với công ty  tuyển dụng, lúc đó quý vị có thể tiếp tục nhận trợ cấp.

Những loại trợ cấp thất nghiệp khác bao gồm

Youth Allowance – Trợ cấp thanh thiếu niên: dành cho những người làm việc toàn thời có độ tuổi từ 16 – 21 tuổi.

Disability Support Pension – Trợ cấp cho người khuyết tật: dành cho người từ 16 tuổi đến độ tuổi hưu trí nhưng không thể làm việc do khuyết tật về thể chất, trí tuệ hoặc bị tâm thần.

Để biết thêm thông tin về các loại trợ cấp thu nhập, quý vị có thể tham khảo trang mạng của Bộ Dịch vụ Nhân sinh (Department of Human Services).

Để được hỗ trợ về mặt ngôn ngữ, có thể gọi đến Dịch vụ hỗ trợ đa ngôn ngữ – Multiligual Phone Service – theo số 131 202, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều các ngày trong tuần.

(Theo sbs.com.au/vietnamese)

Du Học Úc : Nước Úc có 6 đại học có tên trong top 100 trường hàng đầu thế giới

Úc có 6 trường trong danh sách 100 đại học tốt nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng uy tín của Times Higher Education vừa công bố. Những trường nào?

Đại học Melbourne đã tăng tám hạng, đồng vị trí thứ 33 trên thế giới với Georgia Institute of Technology của Mỹ, và trở thành trường đại học ở Úc có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng Times Higher Education 2016-2017 vừa công bố.

Đại học Quốc gia Úc (hạng 47), Đại học Queensland và Đại học Sydney (đồng xếp vị trí 60), Đại học Monash (74) và Đại học New South Wales (78), tất cả đều lên hạng so với kết quả năm 2015.

Bên cạnh sáu trường đại học của Úc lọt vào danh sách 100 trường hàng đầu, Đại học Western Australia (125) và Đại học Adelaide (142) lọt vào danh sách 200.

Đại học Newcastle, và Đại học Kỹ thuật Queensland trong nhóm trường hạng 201 đến 250.

Các trường Úc trong nhóm 251 đến 300 có Đại học Charles Darwin, Đại học Deakin, Đại học Griffith, Đại học James Cook, Đại học Macquarie, Đại học South Australia, Đại học Kỹ thuật Sydney, và Đại học Wollongong.

University of Oxford knocked five-time champion California Institute of Technology into second place in the Times Higher Education World University 2016

Đại học Oxford đứng đầu danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới, tạo ra kỷ lục đại học Anh đầu tiên giữ vị trí quán quân của Times Higher Education World University Rankings trong 12 năm qua.

Tiếp theo trong danh sách 2016-2017 là California Institute of Technology, Đại học Stanford, Đại học Cambridge và Massachusetts Institute of Technology.

Bảng xếp hạng hàng năm của Times Higher Education gồm 980 trường đại học hàng đầu trên thế giới, đánh giá họ qua các tiêu chí như giảng dạy, triển vọng quốc tế, nghiên cứu, trích dẫn, và thu nhập trong ngành kỹ nghệ giáo dục.

“Các trường đại học dẫn đầu của Úc thực hiện những công trình nghiên cức có sức ảnh hưởng rất lớn và thành công ở cả hai khía cạnh là thu hút nhân tài hàng đầu quốc tế và cộng tác với các học giả từ khắp nơi trên thế giới.”

Xét trên quy mô quốc gia, Hoa Kỳ là cường quốc khi nói đến giáo dục với kết quả 63 học viện và đại học trong nhóm 200 hạng đầu.

Vương Quốc Anh về nhì với 32 trường, Đức về ba với 22, Hòa Lan về tư với 13 trường, Canada và Úc cùng về năm, mỗi nước có 8 trường trong danh sách 200 đại học hàng đầu.

Năm nước dẫn đầu đã chiếm gần 75 phần trăm trong nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

“Nhìn chung, các trường đại học dẫn đầu của Úc thực hiện những công trình nghiên cức có sức ảnh hưởng rất lớn và thành công ở cả hai khía cạnh là thu hút nhân tài hàng đầu quốc tế và cộng tác với các học giả từ khắp nơi trên thế giới,” biên tập của Times Higher Education, Phil Baty cho biết.

Ông Baty cũng nhận xét thêm, có vẻ như chương trình ‘Excellence in Research for Australia initiative’, thực hiện từ năm 2010 để đánh giá chất lượng công việc nghiên cứu của các trường đại học, mang đến kết quả.

Trong bảng xếp hạng vừa công bố 2016-2017, cả 24 trường đại học của Úc đều lên hạng hoặc giữ hạng năm trước, và có thêm 4 trường lọt vào danh sách được xếp hạng năm nay.

Năm nay 24 tổ chức tại Úc, hoặc di chuyển lên trong bảng xếp hạng hoặc giữ vị trí của họ và bốn khác đến vào bảng xếp hạng lần đầu tiên.

Châu Á lớn mạnh ‘thực tế và phát triển’
Tuy nhiên, ông Baty cũng cảnh báo Úc cũng cần nhìn đến ‘siêu cường giáo dục bậc đại học’ của các trường đại học châu Á, khi rõ ràng những người bạn láng giềng này có sự vươn mình rõ rệt trong bảng xếp hạng năm 2016.

“Thành công của Úc trên của bảng xếp hạng này sẽ không được bảo đảm trong dài hạn, trong khi nhiều trường đại học hàng đầu châu Á đang vươn lên”, Phil Baty

Đứng đầu của khu vực châu Á năm nay là Đại học Quốc gia Singapore, hạng 24, tiếp đến là Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc hạng 29, lên 13 hạng so với năm 2015. Đây là hai trường Châu Á có thứ hạng cao hơn so với trường xếp hạng cao nhất của Úc là Đại học Melbourne 33.

“Mặc dù quan niệm châu Á là ‘siêu cường bậc giáo dục đại học tiếp theo’ đã trở thành một cái gì đó sáo rỗng trong những năm gần đây, nhưng sự tăng hạng của châu lục này trong bảng xếp hạng là có thật và đang tiếp tục”, ông Baty nói.

“Thành công của Úc trên của bảng xếp hạng này sẽ không được bảo đảm trong dài hạn, trong khi nhiều trường đại học hàng đầu châu Á đang vươn lên để có tên trong những trường đại học hàng đầu thế giới.”

Không có trường Đại học nào của Việt Nam xuất hiện trong danh sách này.

Danh sách các trường đại học Úc trong Top 100
University of Melbourne: 33
Australian National University: 47
University of Queensland: 60
University of Sydney: 60
Monash University: 74
University of New South Wales: 78
Danh sách các trường đại học Úc trong Top 200
University of Western Australia: 125
University of Adelaide: 142
Source: THE rankings 2016

Theo SBS

Du học Úc : Sinh viên nước ngoài đến Úc đạt kỷ lục trong năm 2016

Số lượng sinh viên nước ngoài du học tại Úc tăng lên hơn 10% vào năm ngoài cao nhất so với từ trước tới giờ.

Số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Liên bang cho thấy trong năm 2016 đã có hơn 554,000 sinh viên nước ngoài vào Úc để du học.

Với sự bùng nổ của số lương học sinh đến Úc này thì có nhhững quan ngại rằng các điều kiện cũng như dịch vụ cho học sinh sinh viên nước ngoài đã không thích ứng kịp thời để phục vụ tốt cho những sinh viên hoc sinh nước ngoài du học này.

Số lượng du học sinh nước ngoài tới Úc tăng nhiều hơn bao giờ hết, với con só thống kê cho biết có hơn nữa triệu sinh viên học sinh đã đến Úc trong năm 2016 vừa qua để theo học tại các trường Đại học, TAPE và trung học.

Những số liệu mới nhất này là từ báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Úc cho biết nguồn thu từ sinh viên nước ngoài vào Úc du học đạt được con số kỷ lục $21.8 tỷ dollars chỉ tính trong năm 2016.

Con số này đẩy việc xuất khẩu giáo dục tại chỗ của Úc lên đứng hàng thứ ba chỉ sau xuất khẩu quặng sắt và than đá coal tính trong doanh thu của nước Úc.

Việc gia tăng này chủ yếu từ việc gia tăng số sinh viên du học vào Úc với hơn 10% gia tăng trong năm 2016 mà phần lớn là từ du học sinh Trung Quốc và Ấn Độ.

Giảng viên kỳ cựu của trường Đại học Melbourne Michael Coelli nói ông không lấy làm ngạc nhiên với số liệu này.

“Con số gia tăng lớn này đến từ các sinh viên học sinh các nước trong khu vực Châu Á nơi tiếng Anh là ngoại ngữ và có sự gia tăng về các cơ hội việc làm ở nước họ. Chỉ có điều là mình không biết được liệu chiều hướng gia tăng này có kéo dài mãi được hay không nhưng hiện giờ thì thấy là chưa có dấu hiệu chậm lại.”

Ông Coelli nói việc đơn giản thủ tục xin visa du hcọ của chính phủ cũng như các cơ hội được ở lại thường trú tại Úc hấp dẫn nhiều du học sinh Châu Á tới Úc.

Tuy nhiên ông cũng nói rằng những đầu tư vào giáo dục gần đây của Trung Quốc cho thấy Úc cần phải nhìn rộng hơn vào trong khu vực này.

“Một phần của lý do mà du học sinh tới Úc là vì cơ hội việc làm tại nước họ có phần hạn chế. Chúng ta khá phụ thuộc vào nguồn học sinh đến từ một số nước chẳng hạn như Trung Quốc hay là Ấn Độ. Nếu mà chúng ta có htể mở rộng nguồn học sinh tiềm năng từ các nước khác thì nó có thể giúp chỉ số tăng trưởng này ổn định.”

Chỉ số tăng trưởng về lượng học sinh nước ngoài tới Úc` tăng lên ổn định từ đầu những năm 2000s, giúp dem lại nguồn lợi kinh tế cho toàn cộng đồng Úc.

Tổng trưởng Giáo dục và Đào tạo Simon Birmingham nói rằng giáo dục đang là mặt trận hàng đầu của Úc trong quá trình chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu từ việc bán nguồn khoáng sản sang nguồn thu đào tạo.

“Nguồn lợi từ việc đào tạo du học sinh nước ngoài không chỉ từ nguồn học phí mà còn từ việc cung cấp ăn ở, buôn bán và du lịch đã giúp làm tăng lên hơn 130,000 công ăn việc làm toàn thời tại khắp các thành phố lớn và những khu vực tập trung những nơi có truyền thống du học sinh đến theo học từ nhiều năn nay.”

Giảng viên lâu năn tại Đại học RMIT University Catherine Gomes, người chú tâm vào vấn đề du học sinh nước ngoài nói lời giới thiệu từ các học sinh đã từng tới úc học tới những lứa tiếp theo đóng một vai trò quan trọng trong việc chọn lựa đích đến của nguồn du học sinh tiềm năng.

Con số thống kê của Bộ giáo dục cũng bao gồm số liệu lấy từ các những khảo sát hơn 65,000 du học sinh quốc tế về kinh nghiệm học hành ăn ở của họ tại Úc.

Và kết quả cho thấy 9/10 người tỏ ra hài lòng với thời gian họ dùi mài kinh sử ở Úc Châu.

Bà Gomes nói việc giữ vững mức độ hài lòng của các khách hàng là du học sinh là điều quan trọng cần làm.

“Con số đưa ra đó là trong khoảng 8 đến 9 năm tới đây chúng ta phải đẩy số lương du học sinh đến Úc lên đến xấp xỉ một triệu, mà muố nvậy chúng ta phải chú trọng đến chất lượng dịch vụ cho họ. Và điều này cũng có nghĩa là chú trọng đến cái cách làm việc với các vần đề du học sinh tại các trường và các cơ sở.”

Bà cho biết nhiều sinh viên không nhận thức được quyền của mình theo đúng như luật pháp Úc quy địnhliến quan đến vấn đề làm việc hoặc thị trường nhà ở.

Bà nói điều đó khiến họ trở nên dễ bị lợi dụng, và các trường đại học cần phải làm nhiều hơn để hướng dẫn họ.

“Cũng có một vấn đề về văn hóa mà chúng ta cần quan tâm nhất là đối với những du học sinh đến từ các quốc gia Châu Á. Họ thường được nghe những lời khuyên đại loại như nên làm thế này và không nên làm thế khác, đừng có phàn nàn thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp’. Vì thế mà chúng ta cần phải phá vỡ cái rào cản này và điều này thật cũng không phải là dễ.”

VIET MAGAZINE (Theo sbs.com.au/vietnamese)

Chính phủ Úc chính thức cấp Visa làm việc và du lịch cho công dân Việt Nam

Theo trang web chính thức của Bộ Di Trú và Bảo Vệ Biên Giới nước Úc, từ ngày 1/3/2017 công dân Việt Nam có đủ điều kiện sẽ được cấp Visa Work and Holiday subclass 462 theo thoả thuận hợp tác lao động giữa hai nước.

Người được cấp visa này có thể làm việc và du lịch tại Úc trong thời gian lên đến một năm. Người nộp đơn xin visa 462 phải có đủ các điều kiện sau:

– Công dân mang hộ chiếu các nước có trong danh sách (xem danh sách các nước)

– Trong độ tuổi từ 18-31

– Không có trẻ em phụ thuộc, đi cùng trong thời gian tại Úc

– Không làm việc quá 6 tháng cho một chủ lao động

– Đủ yêu cầu về Tiếng Anh

– Hộ chiếu còn hiệu lực

Visa 462 cho phép bạn:

– Lưu trú tại Úc trong thời hạn một năm

– Làm việc tại bất cứ cơ sở lao động nào, không quá 6 tháng tại mỗi cơ sở lao động

– Tham gia các khoá học trong thời hạn lên đến 4 tháng

– Xuất nhập cảnh Úc trong thời hạn visa còn hiệu lực

– Được tiếp tục xin visa 462 lần hai nếu bạn đã từng làm việc tại lãnh thổ phía Bắc Australia các ngành du lịch, khách sạn, nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt thuỷ sản

Bạn phải ở bên ngoài lãnh thổ Australia khi nộp đơn xin visa 462 lần đầu tiên.

Hồ sơ nộp trực tuyến, có giới hạn hằng năm.

Một số điều kiện khác, mẫu đơn và lệ phí xin visa tham khảo tại đây

Visa 462 tạo điều kiện cho người trẻ Việt Nam đến làm việc và du lịch trải nghiệm đất nước Australia, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời dành cho bạn nhưng hãy chắc chắn bạn sẽ tuân thủ luật pháp, văn hoá Australia, đưa đến một hình ảnh đẹp về thế hệ người Việt trẻ tới nước Úc nếu bạn có được cơ hội này!

Đọc thêm bài viết về Visa Úc: Sớm có visa 3 năm cho người Việt du lịch Úc

Visa du lịch Úc nhập cảnh nhiều lần trong 3 năm cho người Việt nằm trong những loại visa mới mà chính phủ sẽ áp dụng để mời gọi khách du lịch và nhà đầu tư đến Úc.

Mời gọi khách du lịch đến Úc

Trong Ngân sách Liên bang 2016-17 vừa công bố đêm 3/5, chính phủ Úc cho biết sẽ áp dụng thử nghiệm nhiều loại visa mới trong những thị trường quan trọng để mời gọi khách du lịch và nhà đầu tư.

Cụ thể là đưa ra hình thức visa du lịch nhập cảnh nhiều lần trong 3 năm (three-year multiple entry visa) dành cho công dân của những quốc gia có nguy cơ thấp về di trú, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, và Chile.

Ngoài ra còn dịch vụ cấp visa nhanh mà người nộp trả thêm tiền (user-pays fast-track visa service) đưa ra cho Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Ước tính hai thay đổi này trong visa du lịch sẽ mang về số tiền $1,5 triệu đô la cho ngân sách chính phủ trong 4 năm, kể từ năm tài khóa 2016-17.

Chính phủ cho biết đây là chiến lược được xây dựng từ ‘Our North, Our Future – business, trade, and investment gateway’, trong bản phúc trình Kinh tế tài chánh giữa kỳ MYEFO 2015-16 công bố cuối năm vừa rồi, và Trung Quốc đã là quốc gia đầu tiên thử nghiệm hình thức cấp visa nhanh người nộp trả thêm tiền dịch vụ.

Chính phủ cũng cho biết cùng với những cải tổ khác trong vấn đề visa sẽ tiết kiệp được cho ngân sách số tiền $180 triệu đô la trong 3 năm từ 2017-18, bằng cách cải thiện quy trình xét duyệt visa tự động, cung cấp tùy chọn tự phục vụ, và khả năng duyệt xét tinh tế hơn.

Chi phí làm passport Úc tăng

Sắp là công dân Úc hay passport Úc sắp hết hạn? Chi phí làm passport Úc sẽ tăng từ ngày 1/1/2017.

Chi phí để làm passport Úc mới từ ngày 1/1/2017 tăng $20 với passport người lớn (giá trị 10 năm, hiện tại là $254) và tăng $10 với passport trẻ em và người cao niên (giá trị 5 năm, hiện tại là $127).

Chi phí dịch vụ làm passport nhanh (chỉ áp dụng ở Úc và Anh) sẽ tăng $54 (hiện tại là $127).

Chính phủ cho biết biện pháp này tăng nguồn thu chính phủ $172,9 triệu đô la trong 4 năm, tính từ 2016-17, và chi phí này được dùng cho những dịch vụ lãnh sự và những ưu tiên trong chính sách.

SBS

Quy trình xin quốc tịch Úc

Xin quyền công dân là giai đoạn quan trọng và mang tính chất quyết định trong toàn bộ quá trình định cư Úc. Được công nhận là công dân Úc, bạn sẽ có quyền và nghĩa vụ tương đương người bản xứ trong tất cả mọi lĩnh vực. Để đảm bảo việc xin quốc tịch diễn ra thuận lợi, bạn có thể tham khảo quy trình dưới đây.

Bước 1: Chắc chắn rằng bạn đủ tư cách nộp đơn

Thông thường, bạn sẽ đủ tư cách nộp đơn xin quốc tịch nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

– Đã được cấp thẻ thường trú;

– Đáp ứng được yêu cầu về thời gian cư trú (xem bước 2);

– Đã cư trú, gần như đang cư trú hoặc duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Úc;

– Có lý lịch tư pháp tốt;

– Trên 18 tuổi.

Lưu ý rằng, dù vợ hoặc chồng bạn là công dân Úc thì bạn vẫn không được mặc nhiên công nhận là công dân Úc. Trước hết, bạn vẫn phải nộp đơn xin thường trú và đảm bảo các yêu cầu cư trú theo luật trước khi được cấp quyền công dân.

Đối với công dân New Zealand đã nhập cảnh Úc vào ngày 26 tháng 2 năm 2001 hoặc sống đủ 12 tháng trong 2 năm trước thời điểm này thì bạn hoàn toàn có quyền xin quốc tịch Úc. Nếu bạn vào Úc sau ngày này, bạn sẽ phải nộp đơn xin thường trú, đảm bảo các yêu cầu cư trú rồi mới đủ tư cách xin quyền công dân.

Nếu bạn được sinh ra ở ngoài nước Úc nhưng có cha/mẹ là công dân Úc vào thời điểm sinh bạn thì đương nhiên bạn được công nhận là công dân Úc theo diện con cái.

Bước 2: Đáp ứng yêu cầu về thời gian cư trú

Thời gian cư trú được xác định dựa trên thời gian bạn sống và không sống tại Úc. Thông thường, bạn phải đáp ứng đủ 2 điều kiện dưới đây trước khi được công nhận là công dân Úc:

– Đã và đang sống tại Úc bằng một thị thực hợp lệ (các thị thực tạm thời hoặc vĩnh viễn đều được tính) trong 4 năm ngay trước ngày nộp đơn, bao gồm 12 tháng là cư dân thường trú.

– Không vắng mặt khỏi Úc quá một năm trong 4 năm trước ngày nộp đơn. Riêng 12 tháng trước ngày nộp đơn, không vắng mặt khỏi Úc quá 90 ngày.

Bước 3: Chuẩn bị tài liệu sẵn sàng

Bạn phải chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ sau đây:

– Các giấy tờ chứng minh nhân thân, bao gồm hộ chiếu, giấy khai sinh, địa chỉ hiện tại…;

– Lý lịch tư pháp tốt. Riêng phần này, bạn sẽ phải xin một đơn Kiểm tra lý lịch tư pháp quốc gia và giấy chứng nhận trên 16 tuổi. Ngoài ra, bạn còn phải chuẩn bị bản gốc lý lịch tư pháp của bất cứ quốc gia nào mà mình đã đến trong 12 tháng trước ngày nộp đơn và của bất kỳ quốc – gia nào bạn đã sinh sống hơn 90 ngày.

– Các bằng chứng chứng minh việc thường trú của bạn;

– Nếu bạn là một di dân người New Zealand, bạn cũng cần chuẩn bị các giấy tờ chứng minh việc cư trú của mình.

Bước 4: Hoàn tất và gửi đơn

– Nếu bạn đang ở Úc vào thời điểm nộp đơn thì có thể điền đơn theo mẫu và nộp hồ sơ trực tuyến qua hệ thống của Bộ Nhập cư và Quốc tịch Úc.

– Nếu đang ở ngoài nước Úc, bạn sẽ phải chuẩn bị hồ sơ bằng giấy và gửi đến văn phòng của các cơ quan phụ trách.

– Nếu nộp đơn xin quốc tịch theo diện con cháu, bạn sẽ phải chuẩn bị hồ sơ bằng giấy bất kể đang sinh sống ở trong hay ngoài nước Úc.

Lưu ý: Bạn sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí nộp đơn tại bước này.

Bước 5: Hẹn phỏng vấn hoặc kiểm tra công dân Úc

Sau khi đã nộp đơn, bạn sẽ được mời đến buổi phỏng vấn công dân. Một thông báo với đầy đủ các thông tin chi tiết về lịch hẹn sẽ được gửi đến địa chỉ của bạn. Cuộc phỏng vấn có thể diễn ra lâu hơn bạn nghĩ, thậm chí kéo dài đến 2 tiếng.

Trước giai đoạn này, bạn sẽ được yêu cầu tham khảo cuốn sách Công dân Úc – Mối liên kết chung của chúng ta. Xin lưu ý rằng thông tin ở Phần 1, 2 và 3 của tài liệu này có thể được hỏi đến, vì vậy bạn nên đọc kỹ chúng trước khi tham gia kiểm tra hoặc phỏng vấn.

Bước 6: Nhận thông báo về kết quả nộp đơn của bạn

Thời gian xử lý đơn xin quốc tịch có thể thay đổi tùy từng trường hợp. Thông thường cơ quan phụ trách đặt mục tiêu xử lý trong vòng 60 ngày tính từ thời điểm nhận đơn. Trong trường hợp cấp quyền công dân theo diện con cháu thì thời gian xử lý có thể rút ngắn xuống còn 14 ngày.

Bước 7: Tham dự lễ nhập tịch

Sau khi đơn xin quốc tịch được phê duyệt, bạn sẽ được sắp xếp để tham dự một buổi lễ nhập tịch sau khoảng 3 – 6 tuần thư mời chuyển đến tay bạn.

Lễ nhập tịch

Lễ nhập tịch là một sự kiện quan trọng với tất cả mọi di dân Úc. Nó đánh dấu cột mốc bạn chính thức trở thành công dân Úc. Bản thân lễ nhập tịch cũng là lời chào đón công dân mới như một thành viên trong cộng đồng người Úc. Sự kiện này là một trải nghiệm đầy cảm xúc đối với các công dân mới cũng như người bản xứ và các quan khách.

Ngoài ra, một buổi lễ khẳng định quyền công dân Úc cũng thường được tổ chức sau lễ nhập tịch. Đây là cơ hội để mọi người khẳng định một cách công khai sự trung thành của mình với nước Úc như tất cả các công dân mới vẫn làm.

Theo IMM Immigration (tổng hợp)

Bài thi quốc tịch Úc

Kể từ khi Luật Quốc tịch Úc ra đời vào năm 1949, đã có hơn 4 triệu người nhập cư trở thành công dân Úc trong suốt thời gian qua. Hiện nay, khoảng 95% dân số Úc đã có quốc tịch và khoảng 900.000 thường trú nhân có cơ hội trở thành công dân nước này. Có rất nhiều cách để trở thành công dân Úc, chẳng hạn như sinh ra ở Úc, có cha mẹ là người Úc, kết hôn với công dân Úc hoặc nhập cư vào quốc gia trên.

Đối với thường trú nhân, sau khi cư trú hợp pháp tại Úc từ 4 năm trở lên, bạn có thể xin quyền công dân bất cứ lúc nào. Tính tới thời điểm nộp đơn xin quốc tịch, người đứng đơn không được vắng mặt khỏi Úc 12 tháng liên tục trong suốt 4 năm. Đặc biệt, trong 12 tháng gần nhất trước ngày nộp đơn, thường trú nhân không được vắng mặt ở Úc quá 3 tháng.

Ngoài ra, một điều quan trọng không kém là bạn phải chứng minh được mình có phẩm chất tốt và vượt qua được bài thi quốc tịch. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng vì bài thi này khá đơn giản, chỉ chú trọng vào những cam kết mà công dân mới phải thực hiện, những kiến thức về chính phủ, luật dân chủ của Úc cũng như trách nhiệm và quyền lợi của công dân.

Bài thi quốc tịch gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian 45 phút. Để vượt qua kỳ thi này, bạn cần trả lời đúng ít nhất 75% (tức là 15 trên 20 câu). Bài thi cũng là một yếu tố để đánh giá khả năng tiếng Anh cơ bản của ứng viên, chính vì vậy nó chỉ được thực hiện bằng tiếng Anh.

Để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi quốc tịch, bạn có thể tham khảo cuốn “Our common bond” do Chính phủ Úc phát hành nhằm cung cấp thông tin cơ bản cho ứng viên. Cuốn sách đã được dịch ra 37 thứ tiếng để làm tài liệu hỗ trợ ôn thi cho mọi người.

Úc cũng áp dụng chính sách miễn làm bài thi quốc tịch cho một số đối tượng như sau:

– Người dưới 18 tuổi.

– Người từ 60 tuổi trở lên HOẶC có vấn đề về nghe, nhìn, nói.

– Người có vấn đề về thể chất hoặc tâm lý và không đủ khả năng để hiểu bài thi.

– Người sinh ra ở nước ngoài có cha/mẹ đã từng là công dân Úc.

– Người sinh ra ở Papua trước ngày 16/9/1975 và có cha/mẹ sinh ra ở Úc.

Theo IMM Immigration (tổng hợp)

11.000 Triệu phú thế giới đổ đến Australia trong năm 2016

11.000 người có tài sản triệu USD đã tới định cư tại quốc gia này năm ngoái, nhờ điều kiện thuận lợi về giáo dục, y tế và môi trường.

Theo một báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu tài sản New World Wealth, Australia, Mỹ và Canada là những nơi định cư ưa thích của các triệu phú trên thế giới. Báo cáo cho biết khoảng 11.000 triệu phú đã tới định cư tại Australia năm ngoái. Mỹ là lựa chọn thứ hai với khoảng 10.000 người. Theo sau là Canada với khoảng 8.000 triệu phú.

Ở chiều ngược lại, các triệu phú Pháp là những người di cư nhiều nhất thế giới với khoảng 12.000 người. Trung Quốc xếp thứ hai với khoảng 9.000 người, thứ ba là Brazil với khoảng 8.000 người.

Xu hướng di cư này ngày càng rõ rệt trên toàn cầu. Năm 2016, thế giới có khoảng 82.000 triệu phú di cư, tăng 18.000 người so với năm 2015.

Nhà phân tích Andrew Amoils tại New World Wealth cho biết, tiêu chí lựa chọn điểm định cư của các triệu phú thường là nền giáo dục tốt cho trẻ em và an toàn cho gia đình. Những tiêu chí như điều kiện kinh doanh, khí hậu, môi trường, cơ sở hạ tầng, y tế cũng rất quan trọng.

Ông cũng cho rằng các triệu phú rời Pháp do thuế thu nhập quá cao và tình trạng bất ổn, xung đột tôn giáo ngày càng gia tăng. Tại Trung Quốc, những triệu phú chuyển đi sẽ nhanh chóng được thay thế bằng một lượng lớn triệu phú mới nổi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xu hướng này khó diễn ra ở Pháp.

Đối tượng nghiên cứu của New World Wealth là những triệu phú đã định cư tại một quốc gia ít nhất 6 tháng, không phải những người đã có quyền công dân hoặc đã có nhà tại đó nhưng ít khi tới sống. Họ định nghĩa triệu phú là những người có tài sản từ 1 triệu USD trở lên, không tính giá trị căn nhà đang ở.

        Anh Tú (theo CNBC/CNN)