Định Cư Úc: Kể từ năm 2017 sẽ bị thu hồi Visa nếu vi phạm pháp luật

Chính phủ đang xem xét việc thu hồi Visa định cư Úc với những người vi phạm pháp luật hoặc tham gia các băng đảng tội phạm.

Công bố mới nhất được ông Peter Dutton phát biểu trên đài ABC theo một phiên chất vấn được tiến hành trong bối cảnh quá nhiều chỉ trích đối với chính sách nhập cư của cựu thủ tướng Malcolm Fraser. Tổng trưởng di trú Úc Perter Dutton khẳng định cựu Thủ tướng đã sai lầm trong việc cấp visa định cư Úc bừa bãi và tiếp nhận người tị nạn.

Ủy ban thường vụ Di trú Úc sẽ xem xét quy trình cấp Visa định cư Úc cho người nhập cư, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khi họ đến Úc và có thể sẽ thu hồi Visa định cư Úc trong trường hợp người nhập cư có liên quan đến các băng nhóm tội phạm hoặc vi phạm pháp luật.

Nghị sĩ Đảng tự do, ông Jason Wood, người yêu cầu tổ chức phiên chất vấn đã cho biết ông từng vận động Thủ tướng đương nhiệm Malcolm Turnbull và tổng trưởng Di trú Peter Dutton tiến hành phiên chất vấn về thu hồi Visa định cư Úc. Lý do bởi vì có quá nhiều quan ngại liên quan đến các băng nhóm tội phạm ở Melbourne, Victoria Úc.

Ông Jason Wood phát biểu:” Có quá nhiều người trẻ tuổi đang giữ Visa định cư Úc liên quan tới những vụ phạm tội nghiêm trọng, chẳng hạn như băng nhóm Apex. Nếu chúng ta không giải quyết dứt điểm tình trạng này, những người trẻ tuổi sẽ kết thúc cuộc đời của họ trong các nhà tù dành cho người lớn hoặc họ sẽ trở nên cực đoan và rất bạo lực”.

Ông Wood cho rằng cần có chính sách thu hồi visa định cư Úc của những người này. Bởi đó là hình thức răn đe cho nhiều người khác. Ngoài ra ông còn quan ngại rằng bạo lực sẽ lan rộng ra những khu vực khác ở Úc ngoài Melbourne.

Dẫn lời ông Dutton, báo ABC cho biết những vấn đề tương tự liên quan đến Visa định cư Úc cho người tị nạn đã xuất hiện trong suốt thời kì ông Malcolm Fraser nắm quyền, những năm 1970 và 1980. Theo tổng trưởng Di trú Dutton, nước Úc đã tiếp nhận trên 200000 người nhập cư với visa định cư Úc từ các quốc gia châu Á, trong đó có tới 56000 người Việt Nam.

Tổng trưởng Di trú Petter Dutton phát biểu trên đài ABC về vấn đề thu hồi Visa định cư Úc của người phạm tội.
Tổng trưởng Di trú Peter Dutton chỉ trích:” Cựu thủ tướng Fraser đã phạm sai lầm và chúng ta cần phải tiến hành một phiên chất vấn để sửa đổi. Có thể chúng ta sẽ thu hồi một lượng lớn Visa định cư Úc trong năm tới”.

Nguồn: Mạnh Tùng – Nước Úc

Di Trú Úc: Australia thúc đẩy định cư tay nghề cao cho công dân Việt Nam

Khi được lựa chọn là “nhân lực chất lượng cao”, người lao động sẽ được phép mang theo gia đình, con cái dưới 21 tuổi và được hưởng chế độ phúc lợi xã hội của Australia.

Nhân lực có trình độ của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội làm việc và định cư tại Australia do nước này đang mở rộng chương trình thu hút nhân lực chất lượng cao. Thông tin này vừa được công bố tại ngày hội Định cư và nghề nghiệp do Đại sứ quán Australia và Công ty tư vấn luật di trú ở Việt Nam tổ chức.

Năm 2017, diện cấp thị thực định cư sẽ được mở rộng sang nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giảng viên đại học, kiến trúc sư, kỹ sư nông nghiệp, chế biến thực phẩm, quản lý nhân sự…

Sau 4 năm 3 tháng định cư ở Australia, có thể được bảo lãnh cho bố, mẹ ruột sang sinh sống. Điều kiện xét hồ sơ là nhân lực phải có trình độ Cao đẳng trở lên, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đăng ký, điểm IELT đạt mức 7.0. Nhân lực sẽ trải qua một bài kiểm tra và được chọn lựa theo thang điểm từ cao đến thấp.

Theo thống kê từ Chính phủ Australia, bình quân mỗi năm có khoảng 190.000 người tới định cư ở Australia.

Định Cư Úc : Những việc cần chuẩn bị khi phỏng vấn với Bộ di trú Úc

Trước khi cấp thường trú, Bộ di trú Úc có thể gọi điện cho một số người nộp đơn để kiểm tra tính xác thực. Tiến trình phỏng vấn và nội dung phỏng vấn ra sao? Nhiều vợ chồng người Việt không vượt qua phần phỏng vấn vì giới hạn về tiếng Anh nên câu trả lời không trùng khớp. 

Bộ di trú, tùy theo hồ sơ, có quyền tiến hành phỏng vấn những người xin visa và những người bảo lãnh, bằng cách mời đến văn phòng của bộ di trú ( tòa lãnh sự ), hay đến tận nhà phỏng vấn, hay phỏng vấn qua điện thoại.

Khó có thể biết trước trường hợp nào là được phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên, những trường hợp được phỏng vấn qua điện thoại là những trường hợp hồ sơ có độ khả tín cao, và nhân viên bộ di trú chỉ cần hỏi thêm chút ít.

Tuy nhiên nếu trong khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại mà nhân viên bộ di trú lại phát sinh những ngờ vực, thì hồ sơ có thể bị bác.

Ví dụ có một phụ nữ bảo lãnh chồng qua nước Úc theo diện hôn phu hôn thê. Sau khi đến Úc hai người kết hôn đàng hoàng, nộp giấy hôn thú và đã được bộ di trú cấp visa 820 ( là visa hôn nhân tạm thời chờ hai năm để vào thường trú).

Khi sắp vào thường trú nhân viên của bộ di trú gọi điện thoại phỏng vấn người chồng trước, và sau đó phỏng vấn người vợ bằng điện thoại trong một lần khác sau đó.

Cả hai lần người gọi điện phỏng vấn không phải là người nói tiếng Việt, mà nói tiếng Anh. Trong khi đó trình độ tiếng Anh của hai vợ chồng này không tốt lắm. Họ trả lời bằng tiếng Anh khi được hỏi bằng tiếng Anh mà không thắc mắc gì cả. Cuối cùng hồ sơ xin thường trú bị từ chối với lý do hai vợ chồng trả lời không trùng khớp.

Việc này được đưa ra tòa. Trong hồ sơ đệ trình trước khi ra tòa, luật sư đã nêu rõ vấn đề là nhân viên bộ di trú tiến hành phỏng vấn bằng điện thoại mà không hề báo trước, và cũng không hề hỏi là những người được phỏng vấn có cần phiên dịch tiếng Việt hay không.

Tại phiên tòa kháng cáo có sự hiện diện của một phiên dịch người Việt, sau khi nghiên cứu tất cả những hồ sơ do luật sư đệ trình, tòa chỉ hỏi cả hai vợ chồng qua phiên dịch chưa đến 45 phút và công nhận họ là một cặp vợ chồng thật sự đang sống hạnh phúc với nhau.

Vì thế khi trả lời phỏng vấn bằng điện thoại với nhân viên của bộ di trú, điều quan trọng là người được phỏng vấn nên được bộ di trú thông báo trước về việc phỏng vấn qua điện thoại.

Đồng thời nếu trình độ tiếng Anh không vững, thì đừng bao giờ trả lời phỏng vấn qua điện thoại bằng tiếng Anh mà phải yêu cầu sự hiện diện của một thông dịch viên người Việt.

— Theo SBS —

Di Trúc Úc : Nước Úc sẽ có chính sách nhập cư mới

Các quan chức Úc đang hoàn thiện dần chính sách nhập cư tương lai của nước này với thông báo được dự tính đưa ra vào tháng sau và khả năng con số nhập cư sẽ không giảm.

Khi có thông báo, sẽ là mất hơn một năm để Chính phủ đưa ra quyết định về mức nhập cư kể từ khi có được báo cáo toàn diện về Nhập cư vào Úc từ Ủy ban Năng suất (Productivity Commission).

Báo cáo mới chỉ được công bố rộng rãi vào tháng 9 năm ngoái, nhưng vẫn chưa có động thái chính thức nào được đưa ra để đáp lại những kết luận và khuyến nghị của nó. Báo cáo đặc biệt phê phán cả Chính phủ tiểu bang và liên bang về việc cho phép nhập cư ồ ạt ở mức quá cao mà lại thất bại trong việc quy hoạch để đón những cư dân mới.

Trong vài tháng gần đây, đã có những chỉ trích cụ thể hơn về việc thiếu nhà mới được xây trong bối cảnh nhiều người đang bị đẩy ra khỏi thị trường nhà, đặc biệt ở những thành phố như Sydney và Melbourne, nơi mức nhập cư cao.

“Tỉ lệ nhập cư cao gây áp lực tăng dần lên đất đai và giá nhà ở các thành phố lớn nhất nước Úc. Những áp lực này càng trở nên trầm trọng bởi thất bại liên tục của chính quyền tiểu bang, các vùng lãnh thổ và địa phương trong việc thực thi các chính sách quy hoạch đô thị và phân vùng,” báo cáo nhận định.

Báo cáo cũng cho rằng nhập cư là một nguồn chủ yếu của tăng trưởng dân số, góp phần vào tắc nghẽn ở các thành phố lớn, nâng cao tầm quan trọng của quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng. Báo cáo cũng nói thêm rằng việc đầu tư đã thất bại.

Nhưng một trong các vấn đề ở đây là báo cáo không đưa ra một ý tưởng nào về mức độ nhập cư lý tưởng mà Úc nên duy trì, có lẽ đó là vấn đề mà các quan chức và chính trị gia cần tiếp tục “đau đầu”.

“Ủy ban thấy rằng không có mức độ nhập cư và dân số tối ưu nào,” báo cáo cho biết. Nhưng đồng thời nó cũng đưa ra một số khuyến nghị và nhận định nếu mức độ di cư trong lịch sử tiếp tục thì dân số Úc sẽ phát triển lên đến khoảng 40 triệu vào năm 2060.

Báo cáo cũng gợi ý rằng những người đến sống và làm việc nên được yêu cầu chứng tỏ năng lực tiếng Anh phù hợp, giới hạn độ tuổi cho công dân dài hạn xuống dưới 50 trừ những người có tay nghề cao, và Danh sách Nghề tay nghề cao cần trở thành căn cứ chính để quyết định những yêu cầu cho các visa tay nghề.

Bên cạnh đó báo cáo gợi ý các visa đầu tư nên được loại bỏ vì những lợi ích mà nền kinh tế nhận được từ các chương trình visa đầu tư quan trọng và cao cấp đều tương đối khiêm tốn, nên căn cứ để giữ lại chúng là “rất yếu”.

Báo cáo cho rằng phí visa là một nguồn doanh thu cần thiết và quan trọng nhưng hệ thống vẫn chưa rõ ràng và đang thiếu tính minh bạch, cần có một hệ thống tính phí chặt chẽ hơn với chế độ miễn giảm cho trẻ em.

“Dù tỉ lệ nhập cư tích cực sẽ mang đến những lợi ích dài hạn cho cộng đồng người Úc, nhưng những lợi ích này phụ thuộc rất lớn vào việc có một hệ thống thu hút người nhập cư trẻ và có năng lực, thích ứng với các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường, được trang bị thông tin bởi một quy trình chính sách tốt hơn,” báo cáo kết luận.

Phương Anh/VIET MAGAZINE (Theo australiaforum.com)

Du Học Úc : 3 Bước cơ bản cần biết trước khi xin Du Học Úc

Úc là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và được nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn du học. Để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học tại quốc gia này, các sinh viên cần lưu ý những bước sau đây.

Chọn trường và ngành học

Việc chọn trường, ngành học thường được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như: sở thích, thế mạnh của bản thân, xu thế tuyển dụng, những ngành học được ưa thích, bạn bè giới thiệu, định hướng của gia đình, ngân sách, học bổng, vị trí và thứ hạng của trường…

Để chọn lựa trường và ngành học phù hợp, sinh viên có thể nhờ tới sự hỗ trợ của các trung tâm tư vấn tuyển sinh du học uy tín. Nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc lựa chọn trường, các nhân viên tư vấn sẽ đưa ra khoảng ba lựa chọn sát với mục tiêu của học viên nhất. Sau đó họ sẽ phân tích những điểm mạnh của từng trường để giúp học viên đưa ra quyết định cuối cùng.

Hãy yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp cả những thông tin về khí hậu, con người, điều kiện sống, … của tỉnh bang mà trường bạn dự định theo học đang tọa lạc để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Megastudy với kinh nghiệm tư vấn du học nhiều năm sẽ hỗ trợ bạn chọn trường và ngành học một cách sáng suốt nhất.

Sau khi đã chọn được trường và ngành học phù hợp, sinh viên cần chú ý tới điều kiện tuyển sinh của nhà trường. Phần lớn đại học xét hồ sơ dựa trên học lực, trình độ tiếng Anh và khả năng tài chính của người học để đảm bảo học viên có thể tập trung vào việc học trong suốt thời gian ở Australia. Tại Australia, sinh viên có thể làm thêm không quá 40 giờ/hai tuần và toàn thời gian trong các kỳ nghỉ để trang trải thêm một số chi phí. Tuy nhiên, thu nhập từ việc làm thêm sẽ không được coi là nguồn thu nhập chính.

Chuẩn bị hồ sơ du học

Một bộ hồ sơ du học thông thường bao gồm hồ sơ nhân thân, hồ sơ học tập và hồ sơ tài chính. Tùy theo chính sách của từng quốc gia mà thành phần của hồ sơ cần chuẩn bị sẽ khác nhau.

Hồ sơ nhân thân là hồ sơ thể hiện thông tin cá nhân của bạn và những người thân trong gia đình có liên quan mật thiết.

Với hồ sơ học tập, mỗi ngành học và mỗi trường sẽ có yêu cầu đầu vào, học phí và thời gian xét tuyển hồ sơ khác nhau. Một số trường có thời gian xét tuyển hồ sơ lâu hơn do số lượng hồ sơ nhiều hoặc do quy trình xét tuyển không giống nhau. Nhân viên tư vấn sẽ đánh giá hồ sơ của bạn dựa trên các tiêu chí xét tuyển của trường cũng như thời gian học sinh muốn bắt đầu việc học để đưa ra lời khuyên và lộ trình chuẩn bị phù hợp nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Phần lớn trường sẽ yêu cầu ứng viên cung cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (trừ bậc trung học) nên các học sinh, sinh viên cần chuẩn bị thi IELTS từ trước. Các học viên có thể học thêm tiếng Anh trước khi vào khóa chính nếu điểm IELTS không đạt yêu cầu, mỗi 0.5 điểm IELTS còn thiếu sẽ tương đương với học 10 tuần tiếng Anh.

Cuối cùng, tùy theo từng trường mà học sinh có thể hoặc không cần phải chuẩn bị hồ sơ tài chính. Đây là hồ sơ để chứng minh với đại sứ quán về khả năng chi trả cho khóa học của bạn và gia đình, là căn cứ quan trọng để đại sứ quán quyết định có cấp visa du học cho bạn hay không.

Megastudy với kinh nghiệm làm việc nhiều năm, chúng tôi tự tin có thể giúp bạn chuẩn bị hồ sơ du học tiết kiệm thời gian và chi phí nhất với nhiều hỗ trợ và ưu đãi hấp dẫn.

Xin VISA

Đây là bước vô cùng quan trọng mà tất cả thí sinh cần đặc biệt chú ý khi làm quyết định du học. Visa du học do đại sứ quán cấp là tấm vé thông hành cho bạn đến với đất nước chuột túi.

Từ ngày 1/7/2016, chính sách xét duyệt visa du học Australia mới SSVF (Simplified Student Visa Framework) được chính thức được áp dụng với những thay đổi mới về yêu cầu chứng mình tài chính. Ngoài các trường thuộc level 1, học sinh đăng ký theo học ở các trường còn lại sẽ cần cung cấp bằng chứng tài chính và nguồn thu nhập khi nộp hồ sơ visa.

Level 1 trong chương trình visa SSVF được ưu tiên về chứng minh tài chính, yêu cầu tiếng Anh, thời gian xét… nhưng điều đó không có nghĩa là các học viên nộp hồ sơ cho những trường thuộc level 2 hoặc 3 sẽ ít có cơ hội du học hơn.

Theo – Megastudy

Du Học Úc : 21 ngành học sẽ được cộng 5 điểm khi xin thường trú tại Úc

Trong Thang Điểm Xét Định Cư hiện đang được áp dụng tại Úc, 21 ngành nghề sau đây sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho bạn khi có thêm 5 điểm cộng. Đây cũng chính là những ngành nghề mà nền kinh tế Úc đang có nhu cầu lớn về nhân lực.

Nhằm thu hút thêm nhiều nhân tài của nhóm ngành này làm việc và ở lại Úc, Chính phủ Úc đã ban hành những chính sách mới tạo nhiều thuận lợi hơn bằng cách thêm điểm khi các sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này nộp hồ sơ di trú.

Những sinh viên hoàn tất chương trình học Masters by research / Thạc sĩ Nghiên cứu và Doctoral / Tiến sĩ và tốt nghiệp từ các trường của Úc trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kỹ sư hay toán (STEM) hoặc những chuyên ngành đặc biệt trong nhóm ngành công nghệ thông tin (ICT).

Sau nhiều khuyến nghị và đề xuất, tổng cộng có 21 lĩnh vực được chấp thuận trong phương cách tính điểm tay nghề mới này. Cụ thể, cơ quan ghi danh và quản lý các trường và khóa học cho sinh viên quốc tế CRICOS xác định 21 ngành học như sau:

1. Biological Sciences

2. Chemical Sciences

3. Earth Sciences

4. Mathematical Sciences

5. Natural and Physical Sciences

6. Other Natural and Physical Sciences

7. Physics and Astronomy

8. Computer Science

9. Information Systems

10. Information Technology

11. Other Information Technology

12. Aerospace Engineering and Technology

13. Civil Engineering

14. Electrical and Electronic Engineering and Technology

15. Engineering and Related Technologies

16. Geomatic Engineering

17. Manufacturing Engineering and Technology

18. Maritime Engineering and Technology

19. Mechanical and Industrial Engineering and Technology

20. Other Engineering and Related Technologies

21. Process and Resources Engineering.

Sinh viên quốc tế tốt nghiệp muốn xác định bằng cấp của mình có được hưởng ưu thế thêm 5 điểm hay không khi nộp hồ sơ xin thường trú, cần tìm hiểu và kiểm tra trên trang mạng CRICOS (http://cricos.education.gov.au/ )

Nếu bằng cấp là Thạc sĩ Nghiên cứu hay Tiến sĩ, và lĩnh vực chuyên môn là 1 trong 21 ngành mà CRICOS chấp thuận, sinh viên tốt nghiệp đó sẽ được thêm 5 điểm trong quá trình xét điểm định cư tay nghề.

Theo – Megastudy

Mua Nhà Ở Úc : Giá nhà ở Australia đã tăng mạnh nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây

Giá nhà ở Australia đã tăng mạnh nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây trong tháng 3 vừa qua, dấu hiệu mới nhất cho thấy cơn sốt địa ốc ở nước này đang ngày càng tăng nhiệt.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ công ty CoreLogic Inc. cho biết, giá nhà trung bình tại 8 thành phố trung tâm của các bang và lãnh thổ Australia đã tăng 12,9% trong tháng 3/2017 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2010.

Trong đó, tăng mạnh nhất là giá nhà ở Sydney, nơi giá nhà trung bình đã tăng 18,9% trong vòng 12 tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2002. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, giá nhà tại thành phố này tăng 5%. Tại Melbourne, giá nhà đã tăng 15,9% trong 12 tháng.

Trong bối cảnh lo ngại ngày càng lớn về việc giá nhà tăng chóng mặt có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản, cơ quan giám sát ngân hàng Australia tuần trước công bố những quy định mới nhằm siết chặt hoạt động cho vay.

Theo đó, các tổ chức cho vay địa ốc sẽ phải hạn chế các khoản vay trả lãi định kỳ và chỉ trả gốc khi đáo hạn (interest-only loans) – loại vốn vay được các nhà đầu tư bất động sản ưa chuộng – ở mức 30% tổng vốn vay thế chấp nhà cấp mới. Tỷ lệ này hiện đang ở mức gần 40%.

Cùng với những đợt tăng lãi suất cho vay thế chấp nhà trong thời gian gần đây, hạn chế nói trên có thể “giúp hạ nhiệt một phần cơn sốt bất động sản đang diễn ra tại các thành phố lớn nhất Australia”, ông Tim Lawless, trưởng bộ phận nghiên cứu của CoreLogic, nhận định.

Khi công bố các biện pháp hạn chế cho vay mới, cơ quan kiểm soát ngân hàng Australia nói rằng sự kết hợp giữa giá nhà đất cao, mức nợ kỷ lục của các hộ gia đình, tăng trưởng tiền lương chậm lại, và mức lãi suất thấp tạo ra một “môi trường rủi ro cao”.

Trong mấy tuần gần đây, các cơ quan chức năng khác của Australia cũng bày tỏ quan ngại về thị trường bất động sản nước này. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia Michele Bullock nói các cơ quan giám sát “đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động thêm nếu cần thiết”. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia Greg Medcraft thì nói thị trường nhà đất Australia đang “bong bóng”.

Sốt địa ốc ở Australia được cho là xuất phát từ mức lãi suất thấp kỷ lục, nhu cầu mạnh của các nhà đầu tư, và tăng trưởng dân số nhanh chóng.

Dân số của khu vực Sydney đã vượt 5 triệu người vào cuối tháng 6 vừa qua, tăng thêm 1 triệu người trong vòng 16 năm qua, bằng một nửa quãng thời gian mà dân số của thành phố này tăng thêm 1 triệu người trước đó – Cơ quan Thống kê Australia cho biết hồi tuần trước.

Theo hãng tin Reuters, sau khi hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,5% vào tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Australia đã cảnh báo rằng việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ chỉ khuyến khích các hộ gia đình vốn dĩ đã nặng nợ vay thêm tiền.

Kể từ tháng 1/2009, giá nhà ở Sydney đã tăng hơn gấp đôi, trong khi giá nhà ở Melbourne tăng hơn 90%. Tình trạng này khiến việc sở hữu nhà trở thành việc nằm ngoài tầm với của nhiều người Australia, khiến một bộ phận cử tri nước này bất bình.

Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã đổ lỗi cho sự thiếu nguồn cung nhà khiến giá nhà tăng, trong khi Công Đảng đối lập cho rằng sốt địa ốc là do chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ đối với hoạt động đầu tư địa ốc.

Nguồn: Vneconomy