Từ Visa 457 đến thường trú nhân Úc: Nên đi theo con đường nào là hợp lý nhất ?

Bạn đang ở Úc làm việc với visa 457 và đã sắp đến hạn 2 năm để nộp hồ sơ xin PR, và bạn đang bối rối?

Từ visa 457, sẽ có 4 con đường phổ biến để bạn nộp hồ sơ xin tư cách thường trú nhân:

  • Chương trình bảo lãnh của nhà nhân dụng – Employer Nomination Scheme (ENS)
  • Chương trình định cư tay nghề vùng quê – Regional Skilled Migration Scheme (RSMS)
  • Chương trình định cư tay nghề tính điểm
  • Và ở lại trong tư cách bạn đời (vợ chồng, người phối ngẫu) của một thường trú nhân hay một công dân Úc

Cả hai chương trình ENS (visa 186) và RSMS (visa 187) đều có những điểm tương tự như quy trình nộp hồ sơ xin visa 457, nhưng có phần chi tiết hơn.

Điểm khác biệt chính của 2 loại visa này là chỉ những nhà nhân dụng ở các vùng nông thôn của Úc mới có thể bảo lãnh nhân viên với RSMS. Một khu vực được coi là thành thị hay nông thôn, sẽ được quy định trong điều lệ di trú.

Cả ENS và RSMS, người nộp đơn xin thường trú đều cần có sự bảo lãnh của một chủ nhân hay doanh nghiệp.

Nhà nhân dụng này cần cung cấp một số thông tin nhất định về doanh nghiệp và tài chính trong quá trình nộp hồ sơ. Nhà nhân dụng này cũng cần đáp ứng được những tiêu chí chuẩn mực về đào tạo mới có thể đứng ra bảo lãnh. Nghĩa là họ có thể chi 1% tiền lương cho việc đào tạo nhân viên Úc hay chi 2% tiền lương cho Quỹ Đào tạo Kỹ nghệ.

Nếu không đáp ứng được những điều kiện trên, doanh nghiệp sẽ không thể bảo lãnh nhân viên nộp hồ sơ xin thường trú. Đây cũng chính là những điều kiện để bảo lãnh nhân viên làm việc ở Úc với visa 457.

Hai hướng đi phổ biến để nộp hồ sơ xin PR thông qua ENS và RSMS là Trực tiếp và Chuyển tiếp từ visa 457.

Direct Entry Stream, nộp hồ sơ trực tiếp:

Thông qua ENS, người nộp hồ sơ cần qua kiểm tra tay nghề (skills assessment) trong ngành nghề mình chọn và có kinh nghiệm làm nghề ở bất kỳ đâu ít nhất 3 năm. Người nộp hồ sơ cũng cần đáp ứng được đòi hỏi về tiếng Anh, sức khỏe, và phẩm hạnh (character checks).

Thông qua RSMS, người nộp hồ sơ cần bằng cấp liên quan trong ngành nghề họ chọn. Tuy nhiên một số ngành làm thợ (tradespeople) có thể được yêu cầu qua kiểm tra tay nghề trong một số trường hợp.

visa-457

457 Transition Stream, chuyển tiếp từ visa 457:

Người nộp hồ sơ xin thường trú cần làm việc cho nhà nhân dụng đứng ra bảo lãnh họ đủ hai năm ở Úc với visa 457.

Không cần thiết phải qua bước kiểm tra tay nghề và đòi hỏi về tiếng Anh thấp hơn. Tuy nhiên vẫn cần đáp ứng yêu cầu về sức khỏe và phẩm hạnh.

Cả hai đều cần doanh nghiệp bảo lãnh. Điểm khác biệt mà nhiều người đang ở Úc với visa 457 quan tâm nhất là thời gian 2 năm chờ đợi.

Từ visa 457 đến PR, một lối đi khác không cần nhà nhân dụng bảo lãnh mà nhiều người chọn là Points tested skilled migration (visa 189 và 190), người nộp hồ sơ độc lập, tự mình kiếm đủ điểm để được tư cách thường trú nhân.

Với con đường này, người nộp hồ sơ cần ít nhất 60 điểm để bắt đầu quy trình với Expression of Interest. Bộ Di trú sẽ chọn những ứng cử viên với tay nghề tốt nhất, có tổng số điểm cao nhất, mời họ bước vào vòng nộp hồ sơ tiếp theo để có PR.

Với con đường độc lập này, một trong những cách làm hồ sơ thêm điểm và nổi bật là điểm tiếng Anh phải thật cao hoặc có được State Nomination.

Ở lại Úc trong tư cách bạn đời Partner Migration cũng là một lựa chọn nên cân nhắc nếu người đang ở Úc với visa 457 đang ở trong mối quan hệ tình cảm chân thật với một thường trú nhân hay công dân Úc.

Không nhất thiết phải kết hôn, là mối quan hệ chân thật, bao gồm cả quan hệ đồng tính, sống chung từ 12 tháng trở lên, có thể nộp hồ sơ cho loại visa này.

Thông thường, visa người phối ngẫu sẽ có thời hạn 3 năm, sau 2 năm Bộ Di trú sẽ gửi thư mời nộp hồ sơ cho PR.

— Theo Alouc —

Du học sinh và 5 quyền làm việc cần biết ở nước Úc

Hiện có khoảng 330 ngàn sinh viên quốc tế đang học tập tại Úc. Một trong những lợi thế cạnh tranh Úc hơn các nước khác là Úc cho phép du học sinh làm việc trong khi học tập. Vậy quyền lợi của du học sinh ở nơi làm việc là gì?

1. Sinh viên quốc tế có thể làm việc lên đến 40 giờ mỗi hai tuần trong suốt học kỳ.

Thời gian nghỉ giữa các học kỳ, họ được phép làm nhiều hơn và không giới hạn số giờ.

2. Du học sinh được hưởng mức lương tối thiểu áp dụng trên toàn quốc là 17 đô 29 xu một giờ.

3. Học sinh được hưởng các quyền và các điều kiện tối thiểu theo Tiêu chuẩn Toàn quốc về Việc làm.

Trong đó bao gồm nghỉ phép hàng năm, các ngày nghỉ lễ và số giờ làm việc tối đa mỗi tuần. Tìm hiểu thêm về National Employment Standards.

4. Sinh viên có thể nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức công bằng việc làm Fair Work Ombudsman.

Trang mạng Fair Work Ombudsman có thông tin bằng 26 ngôn ngữ về điều kiện tiền lương, quyền làm việc và quyền lợi người đi làm.

5. Sinh viên quốc tế khi trình báo các vụ bóc lột được giữ kín thông tin cá nhân.

Fair Work Australia làm việc để bảo đảm du học sinh không bị phạt vì vi phạm các điều kiện visa.

Nguồn: SBS

Chủ tịch AVG Việt Nam “thâu tóm” trang trại trị giá 13,6 triệu USD ở Bắc Úc

Theo ABC (Úc), ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch CTCP Nghe nhìn Toàn cầu AVG (Việt Nam) – vừa đầu tư 13,6 triệu USD mua lại một trang trại nuôi bò ở Bắc Úc.

Cụ thể, ABC cho biết, trang trại Vermelha Station cùng 10.000 con bò trong trang trại đã được bán lại cho An Vien Pastoral Holding & Agriculture với giá 18 triệu Đô la Úc (tương đương 13,6 triệu USD).

Trang trại này rộng hơn 2.039 km2, nằm cách thị trấn Katherine (Northern Territory) 200 km về phía Nam, gần với đường cao tốc Stuart Highway. Sau khi đổi chủ, trang trại này vẫn sẽ tiếp tục hoạt động chăn nuôi nhưng có thể được đa dạng hóa nhằm tận dụng tối đa giá trị.

Theo nghiên cứu của chính quyền Northern Territory, Vermelha Station khá phù hợp với mô hình đa dạng hóa, đồng thời thích hợp cho các dự án thủy lợi.

Hãng tin ABC cũng cho hay, hồi đầu năm nay, tập đoàn CT Group của Việt Nam đã tính mua lại trang trại Vermelha này để phát triển vườn thanh long nhưng không đạt được thỏa thuận. Theo Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc, danh sách các cổ đông lớn của An Vien Pastoral Holding & Agriculture có ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch

CTCP Nghe nhìn Toàn cầu AVG. Hồi tháng 2, Vingroup cũng từng có thương vụ đầu tư tại Úc khi chi 22,5 triệu Đô la Úc để mua lại khu đất rộng hơn 1.000m2 trong khu vực trung tâm thành phố Sydney nhằm phát triển một tổ hợp khách sạn, theo tờ The Australian.

Ông Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1972) từng làm ăn tại Liên Xô (cũ). Sau này, khi trở về Việt Nam, ông Vũ đầu tư chính vào khoáng sản và truyền thông

Ông Vũ được biết đến là một đại gia đã đầu tư nghìn tỷ vào Truyền hình An Viên, các dịch vụ viễn thông và mua bản quyền bóng đá V­league từ VFF trong 20 năm, từ năm 2008 đã bước đầu triển khai nghiên cứu dự án thăm dò bauxite tại khu vực Bình Phước.

Mặc dù là một tỷ phú mỗi lần xuất hiện đều tạo sóng thương trường nhưng cuộc sống đời tư của ông Vũ khá kín tiếng. Tuy nhiên, trong một lần tiếp xúc với báo chí, ông Vũ giới thiệu mình là một cư sĩ ở ẩn, tu tại gia và theo đạo Phật.

Trong giới tăng lữ, ông Vũ còn được biết đến với vai trò là Cư sĩ Phạm Nhật Vũ, Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Nguồn: Dân Trí

Những lý do khiến người Việt dễ bị hủy Visa khi tới Úc

Nhu cầu định cư tại Úc là mong muốn của nhiều người trong đó có không ít người Việt. Tuy nhiên, người Việt rất dễ bị hủy visa. Tại sao vậy?

Từ việc dùng hồ sơ giả mạo

Cụ thể visa Úc được cấp bằng giấy tờ giả sẽ bị hủy và đương đơn sẽ bị cấm không được trở lại Úc trong vòng 3 năm. Nhiều bạn thắc mắc tự hỏi sao Bộ Di trú không phát hiện ra ngay từ đầu?

Thực tế đã chứng minh, đôi khi Bộ Di trú Úc không xét hồ sơ kỹ càng lúc đầu nên một số thành phần nộp giấy tờ giả sẽ được cấp visa vào Úc một cách trót lọt. Tuy nhiên, khi Bộ Di trú đã bắt ta vào xem xét đương đơn xin vào thường trú hoặc quốc tịch thì họ sẽ lục lại hồ sơ và xem xét một lần nữa.

Đây cũng chính là lý do tại sao có nhiều người có visa lao đng Úc và visa diện di dân tay nghề Úc bị hủy trong thời gian vừa qua. Cá biệt có một số trường hợp mà visa của họ bị hủy ngay từ trước khi họ đặt chân vào Úc. Điều này làm nhiều bạn bất ngờ vì trước đó thường nghĩ rằng visa đã cấp là không thể bị hủy.

Trong thực tế chỉ cần bạn sử dụng bằng IELTS giả với mục đích xin visa kỹ năng độc lập 189, 190 để trở thành thường trú nhân thì bạn vẫn bị hủy visa như thường bởi trên hệ thống kiểm tra điểm IELTS sẽ tố cáo bạn.

Đến việc bị công ty tuyển dụng lừa

Nhiều trường hợp các bạn muốn đến Úc được các công ty tuyển dụng dụ dỗ bằng cách đóng tiền mà không cần tiếng Anh, bằng cấp gì cả. Đây là một chiêu lừa đảo làm bạn mất tới hàng chục nghìn AUD.

Có bạn muốn qua làm nông nghiệp bên Úc, một công ty đã “chào hàng” với giá 1.600 AUD là có thể qua. Điều này không thể xảy ra vì nếu bạn đi du lịch lần đầu tới Úc thì bạn chỉ được ở 3 tháng và không được đi làm thêm. Một số nơi còn lợi dụng visa du lịch kết hợp với làm việc tại Úc mới có.

Tuy nhiên loại visa này lại có số lượng rất hạn chế, trừ khi bạn có lý do chính đáng để xin cấp visa này. Còn đối với những bạn muốn xin visa lao động như 457, RSMS và bảo lãnh diện hôn thê mà tình nguyện đưa 60.000 – 150.000 AUD cho đối tác thì đồng nghĩa với việc đối tác nhận tiền sẽ đi tù và bạn thì bị cấm tới Úc.

Mặt khác, dù bạn có PR nhưng giấy tờ của bạn là không thật thì Bộ Di trú sẽ hủy PR của bạn giống như hủy visa sinh viên mà thôi.

Có thể đến Úc bằng cách nào?

Vậy làm sao để đến Úc “danh chính ngôn thuận?”. Những cách giúp bạn có thể tới Úc như sau: ­

  • Partner Migration (bảo lãnh hôn thê) ­
  • Child Migration (bảo lãnh con cái) ­
  • Employer Sponsored Migration (Permanent) : chủ doanh nghiệp bảo lãnh ­
  • Points Based Skilled Migration (subclasses 189, 190 and 489) visa : bằng kỹ năng tay nghề ­
  • Business Skills Entry: bằng kỹ năng kinh doanh ­
  • Temporary Work (Skilled) (subclass 457) visa: visa lao động ­
  • Business Innovation and Investment: đầu tư kinh doanh ­
  • Skill Select ­
  • Parents visa: bảo lãnh cha mẹ

Lưu ý là chỉ có bảo lãnh hôn thê, cha mẹ, con cái, hoặc là business visa (nếu bạn có đủ điểm) thì không cần tiếng Anh và bằng cấp. Còn trong các trường hợp còn lại, bạn đều cần tiếng Anh, bằng cấp, kinh nghiệm mới có thể xin được visa tới Úc.

—theo alouc.com—